Có một bản làng đẹp như bức tranh tiên cảnh, nơi 100% đồng bào dân tộc người Mày sinh sống, giáp với nước bạn Lào. Những ngôi nhà sàn nằm cạnh đỉnh núi Cu Lôông, nép mình bên dãy núi Giăng Màn, phía dưới là con suối Tà Leng róc rách chảy từ ngàn năm. Đó chính là Bản Dộ – Tà Vờng thuộc xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Xem thêm
- Biển Ngư Thủy Bắc: Nét đẹp ẩn giấu của Quảng Bình
- Cánh đồng muối Quảng Bình – Nét đẹp độc đáo của mảnh đất nắng gió
- Suối đá Quảng Bình: Điểm du lịch lý tưởng cho kỳ nghỉ xanh
- Sông Gianh Quảng Bình: Ranh giới huyền thoại của lịch sử đất nước
- Khu lịch sinh thái Khe Nước Lạnh Quảng Bình: Điểm check-in tươi mát giữa núi rừng
Vị trí bản Dộ – Tà Vờng
Bản Dộ – Tà Vờng thuộc xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Năm 2019 thực hiện đề án sáp nhập thôn bản, Dộ – Tà Vờng được sáp nhập từ bản Dộ và bản Tà Vờng. Nay bản có gần 100 hộ với trên 260 nhân khẩu và 100% người dân là người Mày (thuộc nhóm dân tộc Chứt).
![ban_ta_vong_trong_may_som Bản Dộ - Tà Vờng một sáng chìm trong sương sớm (ảnh: Quảng Bình Tourism)](https://vnnavi.com.vn/wp-content/uploads/2025/02/ban_ta_vong_trong_may_som.jpg)
![ban_ta_vong_trong_may_som Bản Dộ - Tà Vờng một sáng chìm trong sương sớm (ảnh: Quảng Bình Tourism)](https://vnnavi.com.vn/wp-content/uploads/2025/02/ban_ta_vong_trong_may_som.jpg)
Cách di chuyển đến Dộ – Tà Vờng Quảng Bình
Từ trung tâm thành phố Đồng Hới, di chuyển theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, sau đó đi theo đường quốc lệ 12A về hướng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, đến trung tâm xã Trọng Hóa và đi tiếp khoảng 7km sẽ đến cầu Ka Định, rẽ phải và đi tiếp gần 30km sẽ đến bản Dộ – Tà Vờng. Bạn có thể di chuyển bằng xe máy, hoặc ô tô đều được.
Hoặc sau khi rẽ phải từ cầu Ka Định, di chuyển đến bản Ra Mai xã Trọng Hóa, bạn sẽ nhìn thấy đập thủy điện La Trọng, hãy hỏi người dân địa phương nếu muốn đến Dộ – Tà Vờng bằng thuyền, bạn sẽ được ngắm dòng sông Rào Nan từ thượng nguồn, từ khi làm đập thủy điện, dòng suối được ngăn dòng tạo thành hồ thủy điện rộng mênh mông với chiều dài gần 15km, vừa ngồi thuyền vừa ngắm dòng nước trong xanh, hai bên bờ là bản làng của đồng bào, bạn sẽ thấy đồng bào thả lưới đánh cá, làm mùa trên rẫy. Thuyền sẽ dễ dàng đưa bạn đến Dộ – Từ Vờng.
Truyền thuyết về bản Dộ – Tà Vờng
Các già làng ở Dộ – Tà Vờng vẫn còn truyền cho nhau câu chuyện về lịch sử hình thành của tổ tiên, chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa khi loài người mới xuất hiện, vùng đất này còn hoang vu, cây cối mọc um tùm, rừng rậm, mùa mưa thường xuất hiện nhiều và xảy ra lũ lụt triền miên, có năm nhấn chìm hết bản làng. Thế nhưng chỉ có ngọn núi của vị thần Cu Lôông là không bao giờ bị ngập. Sau một cơn đại hồng thủy, tất cả các bản làng đều bị cuốn trôi, người và gia súc, gia cầm theo dòng nước trôi về xuôi, chỉ có hai anh em nhà nọ một trai, một gái nhờ có chiếc bè kiên cố nên đã trôi dạt đến núi Cu Lôông. Từ đó, hai anh em ở lại ngọn núi làm ăn, sinh sống. Một hôm người anh ăn trầu xong vô tình ném bã trầu trúng vào bắp chân của người em gái, chỗ dính bã trầu bỗng xuất hiện một cái trứng nhỏ, rồi sinh ra 03 đứa trẻ, anh cả là tổ tiên của người Mày, em kế là tổ tiên của người Nguồn và em út chính là tổ tiên của người Kinh.
Và từ đó người Mày ngày càng phát triển về số lượng và sinh sống quanh núi Cu Lôông. Người Mày quan niệm họ sinh tồn được là nhờ thần núi Cu Lôông, nên họ ở lại đây để bảo vệ lãnh thổ và giữ gìn nguồn nước. Mặc dù địa hình hiểm trở, cuộc sống khó khăn nhưng người Mày luôn bám rừng, bám suối và giữ nhiều phong tục tốt đẹp.
![mot_goc_ta_vong Một góc nhỏ bình yên của bản Dộ (ảnh: Báo Dân Trí)](https://vnnavi.com.vn/wp-content/uploads/2025/02/mot_goc_ta_vong.jpg)
![mot_goc_ta_vong Một góc nhỏ bình yên của bản Dộ (ảnh: Báo Dân Trí)](https://vnnavi.com.vn/wp-content/uploads/2025/02/mot_goc_ta_vong.jpg)
Trải nghiệm du lịch ở bản Dộ – Tà Vờng
Đến bản Dộ – Tà Vờng, bạn khám phá được cung đường đồi núi quanh co uốn lượn, bao quanh là rừng xanh ngút ngàn, những quả núi nối núi trùng điệp sẽ làm bạn thích thú, thỉnh thoảng sẽ là những vực sâu thăm thẳm, phía dưới nước chảy róc rách. Trên cung đường di chuyển, bạn sẽ bắt gặp nhiều thác nước đổ xuống trắng xóa, bạn có thể dừng chân để nghỉ ngơi, uống ngụm nước mát lành. Mùa lúa rẫy, bạn chứng kiến những rẫy lúa vàng óng nằm phơi trên triền đồi. Nếu bạn đến đây vào mùa Xuân, hãy cùng cùng bà con lên rừng hái đót.
Ngắm nhìn vẻ đẹp bình yên của bản làng
Từ trên cung đường chỉ cách bản Dộ – Tà Vờng không xa, trên đỉnh núi Cu Lôông bạn sẽ nhìn thấy bao quát cả bản làng Dộ – Tà Vờng, những ngôi nhà sàn trụ bê tông, lợp mái bro ximăng, xen lẫn vẫn có những nhà sàn gỗ, lớp lá tro, lợp tôn đỏ. Đan xen giữa những ngôi nhà sàn là cây cối, vườn rau của bà con. Xung quanh là những thửa ruộng bậc thang xanh mướt. Bao quanh bản Dộ – Tà Vờng là con suối Tà Leng chảy róc rách từ ngàn đời.
Không phải nghiễm nhiên mà người ta gọi bản Dộ – Tà Vờng là chốn bồng lai tiên cảnh, trên đình Cu Lôông nhìn qua bản Dộ – Tà Vờng như chạm với trời bởi những lớp mây trắng bồng bềnh, nhẹ trôi.
![ban_ta_vong_quang_binh Toàn cảnh Bản Dộ - Tà Vờng (ảnh: Quảng Bình Tourism)](https://vnnavi.com.vn/wp-content/uploads/2025/02/ban_ta_vong_quang_binh.jpg)
![ban_ta_vong_quang_binh Toàn cảnh Bản Dộ - Tà Vờng (ảnh: Quảng Bình Tourism)](https://vnnavi.com.vn/wp-content/uploads/2025/02/ban_ta_vong_quang_binh.jpg)
Trải nghiệm cuộc sống cùng người Mày
Cuộc sống của bà con nơi đây khá bình yên. Mùa nào rừng có sản vật gì thì bà con lên rừng khai thác sản vật đó, mùa xuân hái đót, hái măng, trồng ngô, trồng sắn, mùa hè xuống khe bắt cá, trồng và chăm sóc lúa rẫy, lúa nước. Buổi chiều bà con dân bản thường xuống khe suối thả cá. Từ khi đập thủy điện La Lọng được xây dựng, nước được chặn dòng nên dâng cao, chiều sâu có điểm trên 15m, bà con phát triển nghề đánh bắt, thả lưới và thu hoạch được rất nhiều tôm cá. Khách đến đây sẽ được cùng bà con trải nghiệm các hoạt động này.
Lễ cúng giang sơn, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ cúng cơm mới. Những lễ hội này luôn được bà con duy trì và trở thành nét đẹp riêng có của đồng bào sống nép mình bên dãy núi Giăng Màn. Dù nay cuộc sống của bà con đã phát triển, nhiều loại hình văn hóa du nhập vào, nhưng đến mùa xuân các già làng lại họp bàn tổ chức lễ hội, trai gái, già trẻ trong bả đều ăn mặc đẹp, chuẩn bị rượu thịt để già làng làm lễ cúng, cầu mong trời đất, thần linh phù hộ một năm mưa thuận gió hòa.
![phu_nu_nguoi_chut_o_ban_ta_vong Phụ nữ người Chứt tại bản Dộ đang đồ xôi (ảnh: Báo Dân Trí)](https://vnnavi.com.vn/wp-content/uploads/2025/02/phu_nu_nguoi_chut_o_ban_ta_vong.jpg)
![phu_nu_nguoi_chut_o_ban_ta_vong Phụ nữ người Chứt tại bản Dộ đang đồ xôi (ảnh: Báo Dân Trí)](https://vnnavi.com.vn/wp-content/uploads/2025/02/phu_nu_nguoi_chut_o_ban_ta_vong.jpg)
Đồng bào ở đây cũng có các nghề truyền thống, phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày, nổi bật nhất là nghề đan lát. Trong các nếp nhà sàn, hình hành những người lớn tuổi ngồi chẻ tre, vót nan và đan các dụng cụ như: mâm cơm, gùi, mẹt tre, đan cu tốc ( dụng cụ xúc cá)… cũng sẽ khiến hạn hiếu kỳ muốn tìm hiểu.
Đến bản Dộ – Tà Vờng từ tháng 3 đến tháng 8 là mùa đẹp nhất, thời tiết ở đây nắng nhẹ, cây cối đâm chồi nẩy lộc, hoa rừng thoang thoảng, dòng suối trong xanh. Bạn sẽ được trải nghiệm những tinh túy về văn hóa của đồng bào trong thời điểm này.
Những lưu ý khi đến Dộ – Tà Vờng
Vì các dịch vụ du lịch chưa phát triển, nên bạn cần có người tiền trạm để có chuyến đi thuận lợi. Chuẩn bị đầy đủ vật dụng cá nhân, mang theo đồ ăn, uống để trong quá trình di chuyển nghỉ ngơi tiếp sức. Liên hệ với biên phòng, hoặc cán bộ địa phương để được tư vấn nơi ăn, nghỉ khi đến đây. Bạn sẽ được bà con dân bản đón tiếp chu đáo, có thể nghỉ lại tại nhà dân, cùng ăn uống với đồng bào.
Hiện nay, thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bản Dộ – Tà Vờng cũng được Đảng, Nhà nước đầu tư hệ thống điện sáng, trường học, y tế, giao thông. Những nhà sàn mới, hiện đại nhưng vẫn giữ được mẫu thiết kế chung của đồng bào được xây dựng, giúp đồng bào an cư lạc nghiệp. Đồng bào được hướng dẫn làm ruộng lúa nước, tiếp cận cách làm du lịch cộng đồng, bảo vệ môi trường, rào vườn để trồng rau, trồng cây ăn quả. Trẻ em trong bản được đến trường và theo học các bậc cao hơn.
Mời bạn đến Dộ – Tà Vờng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tự nhiên, nơi gặp gỡ đất trời. Cùng chia sẻ kinh nghiệm sống của mình với bà con, mang đến cho bà con những tiến bộ trong tư duy, sản xuất, để đồng bào vượt qua sự nhút nhát, tự tin hơn trong giao tiếp, thân thiện cùng người miền xuôi để xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp.
Cùng chủ đề